Khí nhà kính (KNK, tiếng anh là Greenhouse Gas hay GHG) là một khái niệm thường được nhắc tới trong biến đổi khí hậu. Khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ của Trái Đất, nhưng khi lượng khí này tăng cao, chúng có thể gây ra những hệ quả lớn trong biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào khái niệm khí nhà kính, các loại khí nhà kính phổ biến, và khí nhà kính tác động tới biến đổi khí hậu như thế nào.
Khí nhà kính là gì?
Khí nhà kính là các loại khí có khả năng hấp thụ và giữ nhiệt trong khí quyển, ngăn nhiệt lượng này thoát ra ngoài không gian. Khí nhà kính giúp duy trì nhiệt độ ổn định trên Trái Đất, mang lại sự sống. Tuy nhiên, sự gia tăng bất thường của khí nhà kính trong bầu khí quyển, do các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đã gây ra tăng nhiệt độ toàn cầu, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và kéo theo các thay đổi bất thường về khí hậu.
Các loại khí nhà kính phổ biến
Khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC. Trong hệ mặt trời, ngoài Trái Đất, các khí gây hiệu ứng nhà kính còn tồn tại ở bầu khí quyển của những hành tinh như sao Kim, sao Hỏa và Titan.
- Carbon Dioxide (CO2)
- Nguồn gốc: Carbon Dioxide (CO2) được sinh ra chủ yếu từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, các hợp chất hữu cơ và hoạt động hô hấp của các sinh vật hiếu khí. Ngoài ra, sự phá hủy rừng cũng làm gia tăng lượng CO2 trong khí quyển.
- Tác động: CO2 là loại khí nhà kính phổ biến nhất và có khả năng giữ nhiệt trong thời gian rất dài, góp phần lớn vào việc tăng nhiệt độ toàn cầu.
- Methane (CH4)
- Nguồn gốc: Methane (CH4) được sản sinh trong sự phân hủy kỵ khí ở các vùng ngập nước như đồng ruộng, ao hồ, … từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp, chất thải nhà ở, doanh nghiệp và cả chất thải chăn nuôi.
- Tác động: Methane có khả năng giữ nhiệt mạnh hơn CO2 khoảng 25 lần trong vòng 100 năm, tuy nhiên tồn tại trong bầu khí quyển với thời gian ngắn hơn.
- Nitrous Oxide (N2O)
- Nguồn gốc: Nitrous Oxide (N2O) chủ yếu sản sinh từ việc sử dụng phân bón hóa học trong nông nghiệp, trong quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch,...
- Tác động: N2O có khả năng giữ nhiệt rất cao, gấp 298 lần khí CO2, và có thể tồn tại trong bầu khí quyển tới hơn 100 năm.
- Khí Fluorocarbon (CFCs và HCFCs)
- Nguồn gốc: Các chất khí này được sử dụng trong công nghiệp sản xuất chất làm lạnh như máy điều hòa, tủ lạnh và hệ thống làm mát công nghiệp, dung môi và các sản phẩm xốp.
- Tác động: Fluorocarbon có khả năng giữ nhiệt cực kỳ mạnh mẽ và đồng thời gây tổn hại đến tầng ozone, giảm khả năng bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím.
Nguồn gốc của khí nhà kính
Khí nhà kính được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo. Tuy nhiên, các hoạt động của con người trong những năm gần đây đã gia tăng đáng kể lượng khí nhà kính trong khí quyển, điển hình là:
- Sử dụng nhiên liệu hóa thạch: Đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng và vận chuyển.
- Phá rừng và thay đổi cách sử dụng đất: Rừng là nơi lưu trữ khí carbon tự nhiên, khi rừng bị chặt phá hoặc đốt cháy, lượng carbon lưu trữ trong cây cối và thảm thực vật sẽ được giải phóng vào khí quyển.
- Nông nghiệp: Quá trình canh tác, chăn nuôi và sử dụng phân bón hóa học tạo ra lượng lớn methane và nitrous oxide.
- Công nghiệp: Các quy trình sản xuất công nghiệp thải ra một lượng lớn khí nhà kính như CO2, N2O và các hợp chất Fluorocarbon.
Tác động của khí nhà kính đến biến đổi khí hậu
Việc gia tăng khí nhà kính trong khí quyển đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn đối với khí hậu Trái Đất:
- Nhiệt độ toàn cầu tăng: Sự gia tăng của khí nhà kính làm nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ lụt, kéo theo các hệ lụy về sức khỏe con người, cháy rừng và ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước.
- Băng tan và nước biển dâng cao: Nhiệt độ tăng làm tan băng ở các vùng cực, dẫn đến mực nước biển dâng cao, gây nguy cơ cho các khu vực ven biển. Hiện nay có tới ⅓ dân số thế giới đang sinh sống tại vùng ven biển, đây cũng là nơi phát triển công nông nghiệp, nếu mực nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm nhiều thành phố và bến cảng.
- Biến đổi hệ sinh thái: Hậu quả của hiệu ứng nhà kính rất nghiêm trọng. Trước tiên là các hệ sinh thái bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và làm thay đổi môi trường sống tự nhiên. Sa mạc ngày càng mở rộng, đất đai càng bị xói mòn, rừng càng lùi thêm về vùng cực, hạn hán nặng, lượng mưa tăng thêm 7-11%, mùa đông càng ẩm, mùa hè càng khô.
Khí nhà kính là một yếu tố quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của Trái Đất. Tuy nhiên, khi lượng khí nhà kính gia tăng quá mức do các hoạt động của con người, chúng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. Hiểu rõ về các loại khí nhà kính, nguồn gốc và tác động của chúng là bước quan trọng để chúng ta có thể hành động nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống cho tương lai.
Hiện nay, nhiều chính phủ trên thế giới đã ban hành các quy định bắt buộc về kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp, nhằm giảm lượng phát thải và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường. EcoCheck là bộ giải pháp tiên phong kiểm kê khí nhà kính toàn diện tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kiểm kê theo quy định, nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới môi trường.
Liên hệ để nhận tư vấn lộ trình kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính ngay hôm nay!